Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH ... NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

Phấn đấu trở thành ... người bình thường


Trở thành Người bình thường, thật đơn giản. Thời tuổi trẻ tôi cũng từng nghĩ như vậy: phấn đấu trở thành người quan trọng, thành chính khách, thành siêu nhân mới là điều đáng quan tâm của cuộc đời. Nhưng “quá nửa đời phiêu dạt” đi tìm “sơn hào, hải vị”, khi trưởng thành, quay về “úp mặt vào sông quê” mênh mông, bao dung như lòng mẹ, tôi mới nhận ra “sơn hào, hải vị chính là cơm canh, cá kho, rau muống, dưa cà” của mẹ, mới thấu hiểu được chữ “hiếu” với cha mẹ. Thậm chí bố tôi mất đi rồi mặc dù mình đã chăm sóc bố đến hơi thở cuối cùng, mặc dù mình là đứa con rất hiếu thảo...nhưng mỗi lần chợt nhìn thấy một ông già nào đó giống bố mình mới thèm có bố biết nhường nào, mới nhận ra, mới ân hận là mình đã có rất nhiều lỗi với bố, thậm chí bất hiếu chỉ vì đôi khi mình bất bình thường. Chính những lúc ấy mới hiểu được giá trị của những điều "bình thường" tưởng như ai cũng có, cũng biết nhưng thật ra ít ai hiểu hết.Giá như ngay từ đầu đời ta “ngộ” được điều này thì cuộc đời sẽ tăng phần ý nghĩa hơn nhiều.
Trở thành Người bình thường, thấu hiểu được giá trị đích thực của những điều bình thường; với tôi (và không chỉ riêng tôi), đó là bí quyết sống, bởi vì Người bình thường là:

1. Một người như bao nhiêu người khác, dễ hòa nhập và hội nhập được.

2. Làm được tất cả những việc bình thường và vì vậy, có thể làm được cả những việc vĩ đại.

3. Người bình thường là người Luôn biết mình là ai, đang đứng ở đâu, “thành ý – chính tâm – tu thân…” để đi thăng bằng trên mặt đất, không sống viển vông, không bao giờ tự cho mình là siêu nhân; biết:

a. Biết xử sự "theo tuổi" của mình, đó là tự biết mình "đủ tuổi" làm việc gì và "không đủ tuổi" làm việc gì? Đây quả là một điều khó thực hiện, bởi rất nhiều người luôn tự cho mình là "lớn tuổi" khi còn trẻ, nhưng lại nghĩ rằng "còn rất trẻ" khi đã quá già...

b. Biết mình “vác” được bao nhiêu kg trên vai, nếu “cố quá” sẽ “quá cố” vì “gãy” cột sống. Đối với người khác cũng vậy, ta phải biết sức khỏe người đó để nhờ việc, giao việc vì “cái Tâm” thì khó đo lường nhưng “cái Tầm” của con người thì có thể đo đếm được. Biết vui, biết buồn, biết trước, biết sau, biết yêu, biết ghét... Nhưng phải biết đủ, không quá đà mà phải biết dừng..

c. “Cái biết” của người xưa là những bài học thâm thúy, đúng như Trang Tử đã dạy “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”, trong đó “cái khôn, cái dại” đôi khi là bất bình thường, cái biết là “cái bình thường”.Cũng bàn về “cái biết” Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy “biết rõ thiên cơ sẽ trường tồn”.

4. Luôn luôn có ít nhất 2 phương án trong mọi tình huống để không rơi vào trạng thái “khác thường” khi xảy ra sự cố.

5. Luôn tự tin, không tự mình “tim đập, chân run” vì hiểu được: Trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, mọi sự vật, hiện tượng đều xuất phát từ quy luật bình thường, tất nhiên, vốn có và chắc chắn sẽ qua đi nên sẽ cảm thấy bình thường; không bức xúc, áp lực đáng kể; không tô vẽ, phóng đại sự vật, hiện tượng nhưng cũng không coi thường sự bình thường ấy và dễ dàng vượt qua một cách … bình thường. Nhưng người bình thường là người không bao giờ tự tin thái quá để gây trò cười trước mắt những người bình thường khác, phải biết sống với hiện tại, hướng tới tương lai, không nên tự tâng bốc quá khứ theo kiểu “giá mà”; chẳng hạn có một cô gái làng về khoe với hàng xóm: “Giá mà Em không méo miệng thì Em xinh nhất làng…

6. Khi cần, biết hóa thân vào người khác, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể; lần lượt hoàn thành từng nhiệm vụ để đi đến mục tiêu của cả cuộc đời bằng cách tìm ra con đường bình thường,”.

đơn giản nhất trong muôn vàn con đường. Phong độ quyết định tình thế - Tính cách quyết định đẳng cấp - Đẳng cấp quyết định số phận tương lai. Nhưng chính phép lịch sự tối thiểu rất bình thường hàng ngày trong cuộc sống lại góp phần hình thành tính cách con người (nết ăn, nết ở, dáng đi, dáng đứng, và từng hành động, cách đối nhân xử thế bình thường nhỏ nhất...bởi vì “chuyện lớn = chuyện nhỏ + chuyện nhỏ + chuyện không lớn lắm…”). Điều không bình thường của đa số người Việt là: “Lúc cần thể hiện bản lĩnh cá nhân thì lại rụt rè lịch sự không cần thiết dẫn đến mất tự tin, nhưng lúc cần lịch sự thì lại…mất lịch sự”.

7. Biết đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Khi xử lý tình huống cuộc sống, luôn biết tạo điều kiện cho “những dòng sông cùng chảy”, không để rơi vào bế tắc bởi tính ích kỷ, “tư duy ngõ cụt”.

8. Một ngày ít nhất dành ra 15 phút để suy ngẫm về những “điều khác thường” của chính mình, mỗi một điều khác thường là một cái “ngu”. Riêng tôi, luôn đúc kết những cái ngu của mình hàng ngày, nhưng…10 năm rồi vẫn còn ngu bởi “không cái ngu nào giống cái ngu nào”.

9. Làm phúc luôn cho là bình thường, may mà được làm, nếu không thì người khác cũng sẽ làm; vì vậy, giúp ai sẽ nhanh quên để tập trung làm việc khác, không bao giờ kể công.Phải biết ‘tự thương mình” bằng cách không nên: buồn quá, giận quá, vui quá, yêu quá.

Nếu thực hiện được 9 điều trên thì cơ bản đã bước đến gần chữ “thoát”, thoát ra được thế giới “khác thường” của mỗi con người, trong đó “phần người” nhiều hơn “phần con” trong mỗi chúng ta. Để thành công, cần xác định: Tất cả là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh cửu. Cả đời chúng ta phấn đấu để đạt được 2 từ đó là "Thanh thản". Mọi hiện tượng sự vật đều có hai mặt của một vấn đề (tốt, xấu); nhưng trong quan hệ giữa người với người, thường gặp một trong hai từ, một để mong muốn có và một từ không mong muốn, đó là "duyên-nghiệp", nhân duyên là sự may mắn cả đời được gặp, thậm chí nhiều đời...và nếu khômg có nhân duyên thì sẽ là nghiệp chướng bởi: nợ nần, xui xẻo, hận thù... âu cũng là bình thường.
Điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống không phải là ta có bao nhiêu quyền, có bao nhiêu tiền mà là đi được bao nhiêu nơi, biết được điều gì mới, hiểu được mình là ai và giúp được bao nhiêu người?

Vì vậy, phấn đấu trở thành người bình thường là việc làm hết sức bình thường của mỗi chúng ta nếu không muốn trở thành những người…khác thường.



Theo TS.Nguyễn Đức Hưởng

Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét